Chúa Nhật 19 Thường Niên

 

Chiêm Ngắm Lời Chúa là Thần Linh

 

A.        "(Sau khi các đám đông dân chúng đã ăn no nê), Chúa Giêsu giục các môn đệ xuống thuyền mà đi trước Người sang bên kia bờ... Khoảng 3 giờ sáng, Người đi trên hồ mà đến với các vị... Phêrô lên tiếng nói: 'Lạy Chúa, nếu qủa là Ngài thì hãy truyền cho con băng nước đến với Ngài'. Người phán: 'Hãy đến'. Thế là Phêrô ra khỏi thuyền bắt đầu đi trên nước đến với Chúa Giêsu. Tuy nhiên, khi ông cảm thấy gió thổi mạnh lên thì khiếp sợ, ông bắt đầu chìm xuống, và kêu lên: 'Lạy Chúa, xin cứu con!' Lập tức Chúa Giêsu đưa tay ra nắm lấy ông. Người than: 'Con yếu đức tin là chừng nào! Tại sao con lại nhụt đi như vậy?' Cả hai vừa vào thuyền thì im gió. Những người trên thuyền tỏ ra kính phục Người mà tuyên nhận: 'Ngài thật là Con Thiên Chúa'": "Elia (từ núi Thiên Chúa ở Horeb) đến một cái động để trú ngụ. Bấy giờ Chúa phán: 'Ngươi hãy ra ngoài mà đứng trên núi phía trước Chúa' Chúa sẽ đi ngang qua'... nhưng Chúa không ở nơi gió (mạnh xé núi xẻ thạch)... không ở trong trận động đất... không ở trong lửa... Sau lửa thì có một tiếng thì thào nho nhỏ. Nghe thấy tiếng này, Elia lấy áo choàng che mặt lại mà ra đứng ở lối vào động" - "Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng tôi, và ban cứu rỗi cho chúng tôi"' "Thật vậy, vì anh em tôi, là thân nhân -ch-Diên của mình, tôi sẵn lòng chịu loại trừ khỏi Đức Kitô. Họ (là thành phần) được thừa nhận, hiển vinh, các giao ước, ban lề luật, việc phượng thờ và các lời hứa' họ có các tổ phụ mà từ đó Đức Kitô xuất thân (tôi nói về nguồn gốc nhân loại của Người). Muôn đời chúc tụng Thiên Chúa, Đấng ở trên hết mọi sự. Amen".

B-        "Chúa Giêsu nói với họ (đám dân đang xì xèo khi nghe Người tự xưng là bánh từ trời xuống): 'Không ai đến được với Tôi trừ khi họ được Cha là Đấng sai Tôi lôi kéo' Tôi sẽ làm cho họ sống lại trong ngày sau hết... Không phải ai cũng thấy Cha, chỉ có Đấng từ Thiên Chúa mới thấy Cha. Tôi nói thật với các người là ai tin thì có sự sống đời đời. Tôi là bánh sự sống... Tôi chính là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời' bánh này là thịt của Tôi sẽ ban sự sống cho thế gian'": "Elia đi một ngày hành trình vào sa mạc, cho đến một cây kim tước thì ngồi ở dưới gốc cây... Thiên thần Chúa đến lần thứ hai, chạm vào ông mà truyền lệnh: 'Chỗi dậy mà ăn, bằng không ngươi sẽ cảm thấy rằng cuộc hành trình xa lắm đấy'. Ông chỗi dậy ăn uống' nhờ đó lấy lại sức, ông đi 40 ngày đêm đến núi của Thiên Chúa là Horeb" - "Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao" (ở đây, theo Sách Lễ Tiếng Anh, câu đáp ca đơn giản hơn: "Taste and see the goodness of the Lord" - "Hãy thưởng thức và ngắm nhìn sự thiện hảo của Thiên Chúa")' "Đừng làm phiền lòng Thánh Linh mà anh em được niêm ấn cho ngày cứu độ... Hãy đi theo con đường yêu thương như Đức Kitô đã yêu thương anh em. Vì chúng ta, Người đã hiến mình cho Thiên Chúa như một lễ dâng, một tặng vật thơm tho".

C-        "Chúa Giêsu nói với các môn đệ: 'Các con hãy thắt lưng và thắp đèn lên sẵn sàng. Hãy như những người đợi chủ mình đi ăn cưới về, để khi ông về gõ cửa thì mở ngay. Những đầy tớ nào mà khi chủ trở về còn thấy tỉnh thức thì tốt... Bởi thế, các con hãy giữ mình. Con Người sẽ đến vào lúc các con không ngờ nhất": "Dân Ngài trông đợi việc cứu độ của người công chính cũng như việc các thù địch của họ bị hủy diệt. Là vì khi Chúa trừng phạt những đối phương của chúng tôi, thì Chúa đã làm cho chúng tôi là người Chúa triệu mời được vinh vang. Vì con cái thánh hảo của kẻ lành đã hiến lễ hy sinh trong thầm kín, và đồng tâm làm cho thiết kế thần linh có hiệu lực" - "Phúc thay dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình"' "Đức tin là bảo tín cho điều chúng ta hy vọng, và là xác tín về những gì chúng ta không thấy được. Vì đức tin, những con người ngày xưa đã được Thiên Chúa ưng nhận. Bởi đức tin mà Abraham đã tuân hành khi ông được kêu gọi đi đến nơi mà ông nhận làm cơ nghiệp' vả lại, ông  đi mà chẳng biết mình đi đâu... Nhờ đức tin này, mà từ một người là kẻ tốt lành như chết, đã phát sinh những con cái vô số như sao trời cát biển".

 

Cảm Nghiệm Lời Chúa là Sự Sống

 

"Thời gian đã viên trọn. Triều Đại Thiên Chúa đã đến! Hãy cải thiện đời sống và tin vào Phúc Âm" (Phúc Âm Chúa Nhật 3 Mùa Thường Niên Hậu Giáng Sinh năm B),  như trang 294 nhận định, "đó là chủ đề của toàn Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh, được thể hiện qua Phụng Vụ Lời Chúa ở từng Chúa Nhật trong Mùa". Tuy nhiên, chủ đề Lời Chúa chung cho cả Mùa Thường Niên gồm 34 tuần lễ quanh năm này, theo nội dung và chiều hướng của các bài đọc, có thể được chia làm 3 giai đoạn xứng hợp với 3 phần rõ rệt của câu chủ đề chung trên đây. Giai đoạn thứ nhất của Mùa Thường Niên là 9 tuần lễ đầu Mùa Thường Niên Hậu Giáng Sinh, mà mở đầu là Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, một giai đoạn khai triển đề tài: "Thời gian đã viên trọn". Giai đoạn thứ hai của Mùa Thường Niên là 9 tuần tiếp theo, tức kể từ Chúa Nhật 10 Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh, Chúa Nhật tiếp ngay sau Lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô, cho đến Chúa Nhật 18 Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh, một giai đoạn đi vào đề tài: "Triều đại Thiên Chúa đã đến". Giai đoạn thứ ba của Mùa Thường Niên là 15 tuần nối tiếp, tức kể từ Chúa Nhật 19 Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh, cho đến Chúa Nhật 33 Thường Niên Hậu Phục Sinh, một giai đoạn nhắm vào đề tài: "Hãy cải thiện đời sống và tin vào Phúc Âm", để có thể đón chờ ngày Chúa Kitô đến lần thứ hai, ý nghĩa của lễ Chúa Kitô Vua, Chúa Nhật kết thúc Mùa này.

Như thế, Chúa Nhật 19 Thường Niên hôm nay là thời điểm bước sang giai đoạn thứ ba của Mùa Thường Niên, giai đoạn nhắm vào phần thứ ba của chủ đề cho toàn Mùa Thường Niên, đó là đề tài: "Hãy ăn năn cải thiện đời sống và tin vào Phúc Âm". Đề tài cho giai đoạn thứ ba của Mùa Thường Niên này đã được lóe lên từ tuần trước, qua hai câu Chúa Giêsu nói với dân Do Thái ở Phúc Âm năm B, câu thứ nhất nói lên ý nghĩa "cải thiện đời sống": "Các người đừng làm việc để kiếm thứ lương thực hư nát cho bằng thứ lương thực tồn tại cho sự sống đời đời, thứ lương thực mà Con Người sẽ ban cho các người"' và câu thứ hai nói lên ý nghĩa "tin vào Phúc Âm": "Công việc của Thiên Chúa là thế này, đó là hãy tin vào Đấng Ngài sai". Vì "triều đại Thiên Chúa đã đến", tức đã được tỏ hiện nơi Lời nhập thể là Đức Kitô, mà con người muốn "nhận biết (và) chấp nhận Người" (Phúc Âm Lễ Sáng Giáng Sinh) phải "cải thiện đời sống và tin vào Phúc Âm". Câu "triều đại Thiên Chúa đã đến" được đặt trước câu "hãy cải thiện đời sống và tin vào Phúc Âm" là vì thế. Theo Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật 19 Thường Niên tuần này thì việc "cải thiện đời sống và tin vào Phúc Âm" được thể hiện chỉ khi nào con người  biết bất chấp mọi sự để có thể đến với Chúa, nhưng cũng chỉ khi nào con người được Chúa cho phép, và chỉ khi nào con người biết tỉnh thức cho đến khi gặp được Chúa. 

 

Trước hết, "cải thiện đời sống và tin vào Phúc Âm"được thể hiện chỉ khi nào con người biết chấp nhận mọi sự để có thể đến với Chúa, được chứng thực qua Phụng Vụ Lời Chúa năm A. Sự việc thánh Phêrô được bài Phúc Âm thuật lại trong việc ngài đi trên nước mà đến với Chúa Giêsu không phải là một điển hình hay sao. "Tuy nhiên, khi ông cảm thấy gió thổi mạnh lên thì khiếp sợ, ông bắt đầu chìm xuống, và kêu lên: 'Lạy Chúa, xin cứu con!' Lập tức Chúa Giêsu đưa tay ra nắm lấy ông. Người than: 'Con yếu đức tin là chừng nào! Tại sao con lại nhụt đi như vậy?'", Phúc Âm cũng không ngại thuật lại điều này. Do đó, "bất chấp mọi sự để có thể đến với Chúa" ở đây, như qua trường hợp thánh Phêrô, không phải chỉ ở tại việc làm sao vượt lên trên được những gì bình thường tự nhiên, như việc thánh Phêrô đi trên mặt nước, mà còn phải khắc phục cả những bất trắc xẩy ra nữa, như gió mạnh đột nhiên nổi lên. Vì thế, trong việc đến với Chúa, nếu con người không nhắm thẳng vào Chúa, mà còn để ý đến những đụng chạm chung quanh, thì dù ban đầu họ có hăng say sốt sắng mấy đi nữa, rồi họ cũng sẽ bị chìm đắm mà bỏ cuộc thôi, nếu bấy giờ họ không bắt chước thánh Phêrô cầu cứu Chúa ra tay cứu vớt, như tâm tình của câu đáp ca: "Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng tôi, và ban ơn cứu rỗi cho chúng tôi". Và cũng chỉ khi nào con người không còn để ý, tức không còn bị ngoại vật chi phối, họ mới được bình an, vì Thiên Chúa chỉ hiện diện trong an bình, đúng như bài đọc thứ nhất diễn tả lại trường hợp Chúa tỏ mình ra cho Elia: "Chúa không ở nơi gió (mạnh xé núi xẻ thạch)... không ở trong trận động đất... không ở trong lửa... Sau lửa thì có một tiếng thì thào nho nhỏ. Nghe thấy tiếng này, Elia lấy áo choàng che mặt lại mà ra đứng ở lối vào động". Còn ai bình an hơn Vị Tông Đồ Các Dân Ngoại, trong bài đọc thứ hai, khi thánh nhân không ngần ngại tuyên bố: "Thật vậy, vì anh em tôi, là thân nhân -ch-Diên của mình, tôi sẵn lòng chịu loại trừ khỏi Đức Kitô".

 

Sau nữa, "cải thiện đời sống và tin vào Phúc Âm" được thể hiện chỉ khi nào con người được Chúa cho phép, được chứng thực qua Phụng Vụ Lời Chúa năm B. "Cải thiện đời sống và tin vào Phúc Âm" là gì, nếu không phải là việc con người đến với Chúa khi được Chúa tỏ mình ra cho, tức là khi "triều đại Thiên Chúa đã đến". Thế nhưng, kể cả việc con người đến với Chúa, nghĩa là việc con người "cải thiện đời sống và tin vào Phúc Âm", một việc thuộc về phận sự của con người, thuộc về nỗ lực riêng của con người, thế mà, theo lời Chúa Giêsu minh định trong bài Phúc Âm, con người cũng không thể nào tự mình có thể làm được, nếu không có Ngài: "Không ai đến được với Tôi trừ khi họ được Cha là Đấng sai Tôi lôi kéo". Ngay trong bài Phúc Âm Chúa Nhật 19 Thường Niên năm A, nếu Chúa Giêsu không cho phép: "Hãy đến", thì thánh Phêrô, dù có bất chấp mọi sự thế nào đi nữa, chắc chắn ngài cũng chỉ gặp được một "con ma" theo ảo giác và ảo tưởng của mình mà thôi, đúng như các môn đệ hô lên khi vừa trông thấy Chúa Giêsu "đi trên hồ mà đến với các vị", chứ không thể nào gặp được chính Đấng đã tuyên bố trong bài Phúc Âm hôm nay: "Tôi chính là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời' bánh này là thịt của Tôi sẽ ban sự sống cho thế gian". Ngài cũng là Đấng mà bài đọc thứ hai đã tuyên nhận: "vì chúng ta, Người đã hiến mình cho Thiên Chúa như một lễ dâng, một tặng vật thơm tho". Do đó, như câu đáp ca kêu gọi: "Hãy thưởng thức và ngắm nhìn sự thiện hảo của Thiên Chúa", con người muốn đến với Chúa, nghĩa là muốn trải qua một cuộc hành trình đức tin cho đến khi, theo trình thuật của bài đọc thứ nhất, như "Elia đi 40 ngày đêm đến núi của Thiên Chúa là Horeb", họ phải được Thiên Chúa phấn khích và trợ lực, như đã xẩy ra cho trường hợp của tiên tri Elia trong bài đọc thứ nhất: "Thiên thần Chúa đến lần thứ hai, chạm vào ông mà truyền lệnh: 'Chỗi dậy mà ăn, bằng không ngươi sẽ cảm thấy rằng cuộc hành trình xa lắm đấy'. Ông chỗi dậy ăn uống' nhờ đó lấy lại sức".

 

Sau hết, "cải thiện đời sống và tin vào Phúc Âm"được thể hiện chỉ khi nào con người biết tỉnh thức cho đến khi gặp được Chúa, được chứng thực qua Phụng Vụ Lời Chúa năm C. Bài Phúc Âm năm C này có 3 phần, nhưng theo Sách Lễ Tiếng Anh, phần đầu và phần cuối được Giáo Hội cho vào trong ngoặc đơn, tức là phần không có liên hệ trực tiếp đến đề tài Lời Chúa cho riêng chu kỳ năm C. Điều này cũng đã xẩy ra cho một số bài Phúc Âm của các Chúa Nhật khác, chẳng hạn như trường hợp của các bài Phúc Âm Chúa Nhật 16 và 17 Thường Niên cùng năm A. Đối với bài Phúc Âm Chúa Nhật 16 Thường Niên năm A, hai dụ ngôn về triều đại Thiên Chúa" khác, tiếp theo dụ ngôn "một người gieo giống tốt trong ruộng của mình", và  phần cắt nghĩa dụ ngôn này, đều được để ở trong ngoặc đơn. Đối với bài Phúc Âm Chúa Nhật 17 Thường Niên năm A, dụ ngôn "triều đại Thiên Chúa giống như một lưới cá thả xuống hồ" cũng được để ở trong ngoặc đơn. Theo dụng ý, những phần của bài Phúc Âm được để trong ngoặc đơn là những phần không chính thức và trực tiếp liên quan đến đề tài của ngày Chúa Nhật tuần đó cho lắm. Theo đề tài chung cho Chúa Nhật 19 Thường Niên cũng như cho riêng chu kỳ năm C, thì bài Phúc Âm năm C này nhấn mạnh đến việc "cải thiện đời sống và tin vào Phúc Âm"được thể hiện chỉ khi nào con người biết tỉnh thức cho đến khi gặp được Chúa". Do đó, trong bài Phúc Âm, Chúa Giêsu mới thúc giục các môn đệ của mình: "Các con hãy thắt lưng và thắp đèn lên sẵn sàng. Hãy như những người đợi chủ mình đi ăn cưới về, để khi ông về gõ cửa thì mở ngay. Những đầy tớ nào mà khi chủ trở về còn thấy tỉnh thức thì tốt". Ở đây, cuộc hành trình đức tin đến với Chúa của con người có hai chiều hướng. Qua bài Phúc Âm này, về tinh thần, thì cuộc hành trình đức tin không phải là việc con người đi đến với Chúa, cho bằng ở vị trí của mình mà trông đợi Chúa đến với mình, bằng việc "thắt lưng và thắp đèn lên sẵn sàng". Còn về hình thức của cuộc hành trình đức tin, như con người vẫn hiểu, đó phải việc con người chủ động tiến đến với Chúa, được tượng trưng qua chuyến đi của tiên tri Elia lên núi Chúa trong bài đọc thứ nhất năm B, mà điển hình là việc tông đồ Phêrô đi trên mặt nước đến với Ngài. Dù sao đi nữa, dù chiều hướng của cuộc hành trình đức tin có khác nhau, một đàng thì có vẻ như thụ động tích cực, (chứ không phải tích cực thụ động), như trong bài Phúc Âm, và một đàng tỏ ra gián tiếp chủ động, (chứ không phải tự động), như Elia trong bài đọc thứ nhất, thì tinh thần của cuộc hành trình đức tin này cũng giống như nhau, cũng vẫn là một, đó là việc con người trông đợi được giải thoát theo lòng mình khao khát gặp Chúa. Thực tế đã cho thấy trường hợp của dân Do Thái, thành phần được câu đáp ca chúc tụng là "dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình", được thuật lại ngay trong bài đọc thứ nhất năm A: "Dân Ngài trông đợi việc cứu độ của người công chính cũng như việc các thù địch của họ bị hủy diệt... Vì con cái thánh hảo của kẻ lành đã hiến lễ hy sinh trong thầm kín, và đồng tâm làm cho thiết kế thần linh có hiệu lực". Do đó, đối với bản chất của đúc tin,  bài đọc thứ hai đã tuyên nhận như thế này: "Đức tin là bảo tín cho điều chúng ta hy vọng, và là xác tín về những gì chúng ta không thấy được. Vì đức tin, những con người ngày xưa đã được Thiên Chúa ưng nhận". Bài đọc thứ hai này cũng công nhận việc đến với Chúa như là một cuộc hành trình đức tin theo chiều hướng gián tiếp chủ động, khi gợi lại trường hợp của tổ phụ Abraham như sau: "Bởi đức tin mà Abraham đã tuân hành khi ông được kêu gọi đi đến nơi mà ông nhận làm cơ nghiệp' vả lại, ông  đi mà chẳng biết mình đi đâu". Ở đây, việc "cải thiện đời sống và tin vào Phúc Âm" được thể hiện chỉ khi nào con người được Chúa cho phép, như đề tài năm B đã nói đến, còn hiện rõ qua những chữ: "khi ông được kêu gọi" trong bài đọc thứ nhất năm C này. Đó là ý nghĩa của cụm từ "gián tiếp chủ động" trong vai trò của con người trong cuộc hành trình đức tin tiến đến với Chúa. Để rồi, kết qủa phát sinh từ cuộc hành trình đức tin của tổ phụ Abraham, "một người là kẻ tốt lành như chết", như bài đọc thứ hai diễn tả về ông, "đi mà chẳng biết mình đi đâu", ngoài lòng tin tuyệt đối vào Đấng đã kêu gọi mình, "đã phát sinh những con cái vô số như sao trời cát biển", thành phần được bài đọc thứ hai năm A xác nhận: "được thừa nhận, hiển vinh, các giao ước, ban lề luật, việc phượng thờ và các lời hứa' họ có các tổ phụ mà từ đó Đức Kitô xuất thân". Như thế, "nhờ đức tin này" lời Chúa hứa, đối tượng của đức tin cũng là thực tại của đức tin, đã được hiện thực, theo lòng mong đợi của những ai tin vào Ngài. Và cũng vì  thế, cuộc hành trình đức tin chỉ hoàn toàn kết thúc và đạt được cùng đích của mình, khi con người thật sự gặp được Thiên Chúa là Đấng từ ban đầu đã kêu gọi mình đi theo Ngài, và cũng chính là Đấng chắc chắn sẽ đến (hay "trở về" cũng vậy) với lòng trông mong tỉnh thức của họ, khi làm cho họ hoàn toàn được toại nguyện.

 

            Lạy Cha chúng con ở trên trời, trong Con Một của Cha là Đức Giêsu Kitô, Cha đã kêu gọi và cho phép chúng con đến với Cha qua Bí Tích Rửa Tội. Bởi thế, trong cuộc hành trình của chúng con tiến về gặp Cha, xin Cha cũng "lôi kéo" (Phúc Âm năm B) chúng con, bằng việc Cha tỏ mình ra cho chúng con, qua mọi hoàn cảnh của cuộc đời chúng con, để chúng con có thể gặp được Cha nơi Đức Giêsu Kitô, nội dung Mạc Khải Thần Linh của Cha và là Tin Mừng Cứu Rỗi cho chúng con.